Bài viết mới nhất

Tiểu sử, lý lịch Trương Tấn Sang: Chủ tịch nước Việt Nam



Để tránh những luồng thông tin trái chiều và sai sự thật, Tập Viết Báo đưa ra một số thông tin về tiểu sử của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Những thông tin trên mạng hiện nay đang nói xấu và không đúng sự thật về Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vì vậy khi tiếp xúc bạn đọc cần chọc lọc đúng thông tin.

Tại phiên làm việc hôm nay (25/7), với 487 số phiếu tán thành, chiếm 97,4%, Quốc hội đã bầu ông Trương Tấn Sang giữ chức Chủ tịch nước. Xin trân trọng giới thiệu tóm tắt tiểu sử của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Trương Tấn Sang
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang


TIỂU SỬ TÓM TẮT

Họ và tên khai sinh: TRƯƠNG TẤN SANG
Họ và tên thường gọi: Trương Tấn Sang
Sinh ngày 21 tháng 01 năm 1949.
Quê quán: xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Nơi ở hiện nay: Số 51 Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội.
Dân tộc: Kinh
Tôn giáo: Không
Trình độ chuyên môn: Cử nhân luật
Nghề nghiệp, chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Ngày vào Đảng cộng sản Việt Nam: 20-12-1969, Ngày chính thức: 20-12-1970
Trình độ học vấn: Cử nhân
Lý luận chính trị: Cao cấp
Ngoại ngữ: Tiếng Anh (B)
Tình trạng sức khỏe: Bình thường
Khen thưởng: Huân chương Kháng chiến hạng Ba
Kỷ luật: Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định khiển trách (2003)
Là đại biểu Quốc hội khóa: IX, X, XI, XIII.
TÓM TẮT QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC
- 1966- 1968: Tổ trưởng thanh niên, xây dựng cơ sở mật trong sinh viên, học sinh (PK2)
- 1969- 1971: Đảng ủy viên, Bí thư Đoàn Thanh niên, phụ trách Đội võ trang mật thị trấn Đức Hòa (Long An)
- 1971- 1973: Bị địch bắt, bị giam giữ ở nhà tù Biên Hòa, Phú Quốc. Đến năm 1973, được trao trả theo Hiệp định Pa-ri
- 1973- 4/1975: Cán bộ tổ chức Ban T.72 thuộc Ủy ban thống nhất Trung ương
- 4/1975- 10/1978: Cán bộ Công đoàn Gia Định, Phó ban Xây dựng kinh tế mới thành phố, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các nông trường và Khu kinh tế mới Thành phố Hồ Chí Minh
- 1979- 8/1983: Huyện ủy viên, Giám đốc Nông trường Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành ủy viên dự khuyết
- 1983- 1986: Giám đốc Sở Lâm nghiệp, Thành ủy viên phụ trách lực lượng thanh niên xung phong và Ban Kinh tế mới Thành phố Hồ Chí Minh
- 1986- 1988: Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.
- 1988- 1990: Đi học Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc Trung ương (Hà Nội)
- 1990- 1991: Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp
- 1991- 1992: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
- 1992- 1996: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
- 1996- 01/2000: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
- 01/2000- 2006: Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương
- 2006 – 7/2011: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư
- 7/2011 đến nay: Tại phiên làm việc ngày 25/7, với 487 số phiếu tán thành, chiếm 97,4%, Quốc hội đã bầu ông Trương Tấn Sang giữ chức Chủ tịch nước.


Read More Add your Comment 0 comments


CTN Trương Tấn Sang: Đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Ấn Độ lên tầm cao mới



Ngày 22/5, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp đoàn đại biểu Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ-Việt Nam bang Tây Bengal, Ấn Độ do ngài Geetesh Sharma, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ-Việt Nam dẫn đầu sang thăm Việt Nam.

Truong Tan Sang

Chủ tịch nước tiếp Đoàn đại biểu Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ-Việt Nam Bang Tây Bengan (Ấn Độ) do ông Geetesh Sharma Chủ tịch hội dẫn đầu sang thăm Việt Nam.

Chủ tịch nước hoan nghênh chuyến thăm hữu nghị tới Việt Nam lần này của đoàn đại biểu, tin tưởng chuyến thăm góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Ấn Độ.

Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ truyền thống lâu đời, do hai lãnh tụ kính yêu của hai dân tộc là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nehru đặt nền móng và dày công vun đắp. Hai nước đã từng ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay.

Những năm gần đây, quan hệ Việt Nam và Ấn Độ có bước phát triển thuận lợi, đặc biệt là sau khi hai nước chính thức thiết lập đối tác chiến lược vào tháng 7/2007. Hai bên đã đẩy mạnh giao lưu hợp tác trên nhiều lĩnh vực, chính trị, kinh tế, quốc phòng, văn hóa, giáo dục. Sự trao đổi hợp tác giữa các bộ ngành, các tổ chức nhân dân hai nước được tăng cường về số lượng và chất lượng.

Chủ tịch nước nhắc lại những kỷ niệm trong chuyến thăm Ấn Độ vừa qua, theo đó, hai bên đã đạt được bảy thỏa thuận về hợp tác dầu khí, hàng không, nghiên cứu, đào tạo, trong lĩnh vực nông nghiệp, giao lưu văn hóa và bản ghi nhớ về “Năm hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ 2012.”

Đặc biệt, ngành hàng không hai nước đã ký thỏa thuận mở đường bay thẳng. Chắc chắn những thỏa thuận này sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Chủ tịch nước nhấn mạnh trong điều kiện và tình hình quốc tế hiện nay, hai nước cần đẩy mạnh sự hợp tác toàn diện, phát huy lợi thế tối đa của mỗi nước, đưa quan hệ hữu nghị và đối tác chiến lược Việt Nam và Ấn Độ phát triển lên tầm cao mới, thiết thực kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa hai nước (7/1/1972-7/1/2012), 5 năm thiết lập đối tác chiến lược (6/7/2007-6/7/2012), và Năm hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ 2012.

Chủ tịch nước cho rằng trong những năm qua, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ đã có nhiều hoạt động hữu nghị hợp tác với một số đối tác tại Ấn Độ, như Tổ chức Hòa bình và Đoàn kết toàn Ấn Độ, Hội Hữu nghị Ấn Độ-Việt Nam và Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ-Việt Nam.

Chủ tịch nước mong muốn trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, ngài Chủ tịch và các thành viên sẽ có thêm thông tin, tiếp tục có nhiều đề xuất và biện pháp thúc đẩy quan hệ giữa Ủy ban với các tổ chức của nhân dân Việt Nam, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam và Ấn Độ đi vào chiều sâu và thực chất.

Tại buổi tiếp, Ngài Geetesh Sharma cùng các thành viên trong đoàn đã mời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham gia nghi thức buộc vòng tay hữu nghị theo phong tục truyền thống Ấn Độ, xem các kỷ vật của đoàn tích lũy được qua nhiều năm xây dựng quan hệ hữu nghị hai nước.

Ngài Geetesh Sharma cũng tặng Chủ tịch nước cuốn sách “Những dấu ấn văn hóa Ấn Độ ở Việt Nam” mà đoàn mang theo, xem đây là món quà ý nghĩa, minh chứng cho quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

Ngài Geetesh Sharma bày tỏ cảm ơn Chủ tịch nước dành thời gian tiếp, chúc mối quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ không ngừng được củng cố và phát triển.

Cho rằng những thành quả về sự hợp tác hai nước chưa tương xứng với tiềm năng, ngài Geetesh Sharma mong muốn tiếp tục được các cơ quan Việt Nam tạo điều kiện để hoạt động của Ủy ban sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho quan hệ ngoại giao hai nước.

Ngài Geetesh Sharma đánh giá cao vốn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tại Việt Nam, và cho rằng trong chuyến đi này, đoàn đã được chứng kiến những thành tựu trên nhiều lĩnh vực, từ văn hóa đến kinh tế xã hội của Việt Nam.

Ngài Geetesh Sharma cho biết trong năm 2012, Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ-Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm tăng cường sự hiểu biết của nhân dân Ấn Độ với đất nước Việt Nam./.

Hoàng Giang (VNP)


Read More Add your Comment 0 comments


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp mặt đoàn đại biểu đại diện 100 HTX điển hình tiên tiến




Nhân ngày HTX Việt Nam, ngày 11-4, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp mặt đoàn đại biểu đại diện cho 100 HTX điển hình tiên tiến được tặng Cúp vàng Hợp tác vì cộng đồng thịnh vượng của Liên minh HTX Việt Nam.

Tại buổi gặp, các đại biểu đã báo cáo Chủ tịch nước những thành tựu trong 60 năm hình thành và phát triển của khu vực kinh tế tập thể, đặc biệt là những hoạt động hướng về Lễ kỷ niệm Ngày HTX Việt Nam lần đầu được tổ chức. Với sự nỗ lực của hơn 13 triệu hội viên tham gia trong 19.500 HTX trong cả nước, hoạt động của khối kinh tế tập thể đã góp phần đóng góp ngân sách, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo cho các hội viên. Cùng các thành phần kinh tế khác, nhiều đơn vị làm tốt chức năng dịch vụ, thương mại, thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển. Các đại biểu cũng thẳng thắn thừa nhận, khu vực kinh tế tập thể cũng còn nhiều khó khăn về tư liệu sản xuất, hạ tầng kinh doanh, kinh nghiệm quản lý. Nhiều hợp tác xã còn tâm lý thụ động trông chờ ỷ lại, thiếu chủ động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh. Các đại biểu bày tỏ mong muốn được Ðảng, Nhà nước có thêm cơ chế chính sách hỗ trợ giúp hệ thống HTX phát triển.

Lắng nghe những kinh nghiệm và đề xuất của các chủ nhiệm HTX, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương sự nỗ lực vượt khó vươn lên của các HTX, trở thành thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế đất nước. Chủ tịch nước khẳng định, Ðảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến sự phát triển khu vực kinh tế tập thể và đã quyết định chọn ngày 11-4 hằng năm là Ngày HTX Việt Nam. Chủ tịch nước cho rằng, các HTX cần phải có sự liên kết chặt chẽ với các thành phần kinh tế khác để nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đời sống xã viên, phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: Với sự phát triển chung của đất nước, đến năm 2015 và hướng đến 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Ðể đáp ứng yêu cầu phát triển hội nhập, các thành phần kinh tế nói chung, kinh tế tập thể nói riêng của đất nước phải vững mạnh. Do đó, các HTX cần mở rộng quy mô không chỉ tăng thêm doanh số lợi nhuận, mà còn giải quyết công ăn việc làm cho xã viên, người lao động. Liên minh HTX cần phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cơ bản cho đội ngũ chủ nhiệm hợp tác; kiến nghị Ðảng, Nhà nước ban hành những chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sự phát triển của thành phần kinh tế quan trọng này.

* Ngày 11-4, Liên minh HTX Việt Nam kỷ niệm một năm Ngày truyền thống HTX Việt Nam và biểu dương các điển hình tiên tiến. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải dự và phát biểu ý kiến. Cùng dự có đại diện Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Nông dân Việt Nam...

Tại buổi lễ, Liên minh HTX Việt Nam trao Bằng khen tặng hơn 300 HTX và các đơn vị thành viên được bình chọn là các đơn vị điển hình tiên tiến và trao Cúp vàng "Hợp tác vì cộng đồng thịnh vượng" tặng 100 đơn vị HTX và Liên hiệp HTX đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp phát triển kinh tế HTX.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: Các HTX bước đầu có tác dụng thúc đẩy kinh tế hộ xã viên phát triển, nhất là nông dân; tạo mối liên kết, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa các hộ xã viên, bao gồm các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ và vừa, góp phần tạo giá trị gia tăng đóng góp vào tăng trưởng GDP, góp phần chuyên môn hóa, phân công lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HÐH, đặc biệt là trong nông nghiệp, nông thôn.

Phó Thủ tướng đề nghị Liên minh HTX các cấp và các HTX cần: thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể đã được đề ra trong các nghị quyết của Ðảng về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn gắn với việc thực hiện các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động; tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, HTX theo chiều sâu, nâng cao hiệu quả kinh tế HTX; làm tốt công tác tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Ðảng và pháp luật của Nhà nước về kinh tế HTX; tập trung củng cố các HTX hiện có, tích cực vận động, hướng dẫn, thành lập các tổ hợp tác, các HTX mới; vận động các HTX tự chủ, đổi mới, nâng cao vai trò làm chủ của xã viên... Phó Thủ tướng tin tưởng thời gian tới, Liên minh HTX các cấp và các HTX sẽ phát triển mạnh mẽ, toàn diện, bền vững, đạt hiệu quả cao hơn nữa, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo kế sinh nhai cho các khu vực kinh tế nông thôn và thành thị.

* Chiều cùng ngày, tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (Hà Nội), đã khai mạc Hội chợ Triển lãm quốc tế hàng tiêu dùng, tiểu thủ công nghiệp, nông sản và thực phẩm chế biến 2012 (VIETPO 2012). Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dự và cắt băng khai mạc hội chợ. Hội chợ có hơn 300 gian hàng của các HTX, doanh nghiệp trong và ngoài nước trưng bày các sản phẩm máy móc, thiết bị, trang trí nội, ngoại thất, hàng tiêu dùng, nông sản, thực phẩm chế biến, đồ uống, thời trang... Hội chợ diễn ra đến hết ngày 15-4.

PV


Read More Add your Comment 0 comments


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TW



Ngày 9/4, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã họp phiên thứ 5 dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TW, chủ trì Phiên họp thứ 5. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã nghe lãnh đạo Đảng ủy Công an Trung ương báo cáo kết quả xây dựng đề án tổ chức lại cơ quan điều tra; lãnh đạo Quân ủy Trung ương báo cáo kết quả xây dựng các đề án đổi mới tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp trong quân đội; Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao báo cáo kết quả chuẩn bị thành lập Tòa án Nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện kiểm sát Nhân dân khu vực theo tinh thần Kết luận số 79 của Bộ Chính trị; Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp báo cáo đề xuất về việc nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chủ trương thống nhất quản lý công tác thi hành án.

Phát biểu kết luận, về Đề án tổ chức lại cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối, Chủ tịch nước cho rằng đề án đã đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu và phương hướng, nhiệm vụ của cải cách tư pháp nêu trong Kết luận 79-KL/TW, Nghị quyết 49-NQ/TW và các văn kiện của Đảng. Quá trình xây dựng đề án đã thực hiện theo đúng quy trình, bảo đảm sự chỉ đạo chặt chẽ của Đảng ủy Công an Trung ương. Tuy nhiên đề án cũng cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa lại một số nội dung về mục tiêu, quan điểm và nhiệm vụ như ý kiến tham gia của các thành viên và Thường trực Ban Chỉ đạo.

Mô hình tổ chức lại cơ quan điều tra sau năm 2015, cần phải đáp ứng đủ các yêu cầu như đề xuất của các thành viên và Thường trực Ban Chỉ đạo. Đi kèm với mô hình trên cần nêu rõ các điều kiện về tổ chức, con người, điều kiện vật chất để chuẩn bị thực hiện theo lộ trình của giai đoạn sau 2015.

Về Đề án “Hoàn thiện thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp” và Đề án “Mô hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp trong Quân đội Nhân dân Việt Nam,” Chủ tịch nước nêu rõ, đề án cần bổ sung nội dung về quan điểm chỉ đạo xây dựng Đề án và cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn của việc đổi mới tổ chức hoạt động của các cơ quan tư pháp trong quân đội, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa việc đổi mới tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp trong Quân đội với việc đổi mới tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung theo tinh thần Nghị quyết 49.

Về việc chuẩn bị thành lập Tòa án Nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện kiểm sát Nhân dân khu vực, Chủ tịch nước cho rằng, việc thực hiện chủ trương tổ chức hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 49-NQ/TƯ và Kết luận 79-KL/TƯ của Bộ Chính trị là một chủ trương đúng đắn và có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong tiến trình cải cách tư pháp.

Cùng với nghiêm túc, khẩn trương triển khai thực hiện chủ trương nêu trên, Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao cần tiếp tục trao đổi với các cấp ủy đảng để tháo gỡ vướng mắc, thống nhất phương án thành lập Tòa án Nhân dân sơ thẩm khu vực và Viện kiểm sát Nhân dân khu vực đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp.

Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác phổ biến, quán triệt Nghị quyết đối với cán bộ các cơ quan tư pháp về công tác cải cách tư pháp nói chung và về chủ trương thành lập Tòa án Nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện kiểm sát Nhân dân khu vực nói riêng.

Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xây dựng phương án để bảo đảm điều kiện sinh hoạt, chỗ ở của cán bộ các cơ quan tư pháp tại một số địa bàn có diện tích rộng, địa hình phức tạp, vùng sâu, vùng xa.

Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao cần đẩy nhanh, bảo đảm đúng tiến độ xây dựng các đề án chi tiết có liên quan phục vụ cho việc triển khai thực hiện việc thành lập Tòa án Nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện kiểm sát Nhân dân khu vực đã được xác định trong Chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương năm 2012 để Ban Chỉ đạo cho ý kiến làm cơ sở báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định./.

Theo TTXVN


Read More Add your Comment 0 comments


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp ngài Faris Al-Ani, Đại sứ Iraq



Kết thúc chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, hôm nay ngày 21/3 tại Hà Nội, Ngài Faris Al-Ani, Đại sứ Iraq đã dến chào tạm biệt Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, ngài Faris Al-Ani bày tỏ vui mừng và cảm ơn sự giúp đỡ của các cơ quan Việt Nam trong nhiệm kỳ công tác. Ngài Đại sứ khẳng định rằng Iraq coi trọng quan hệ với Việt Nam, nhân dân Iraq luôn ngưỡng mộ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Ngài Faris Al-Ani, Đại sứ Iraq tại Việt Nam

Ngài Đại sứ nhấn mạnh đất nước Iraq vừa trải qua nhiều thay đổi, đang trong quá trình tái thiết đất nước; đánh giá cao những tiềm năng của Việt Nam và mong muốn Việt Nam góp phần tham gia vào công cuộc tái thiết đất nước.

Ngài Faris Al-Ani cho rằng hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác, không chỉ trên lĩnh vực dầu khí; tin tưởng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt và vượt ngưỡng 1 tỷ USD; khẳng định Iraq ủng hộ Việt Nam sớm mở lại Đại sứ quán tại Baghdad, góp phần tạo cầu nối quan hệ hai nước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao những đóng góp của Ngài Đại sứ trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị nhiều mặt giữa hai nước.

Ông Trướng Tấn Sang cho biết Việt Nam luôn quan tâm theo dõi những thành tựu quan trọng mà nhân dân Iraq đã đạt được trong việc ổn định tình hình chính trị, tái thiết đất nước và phát triển nền kinh tế; vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác giữa hai nước thời gian gần đây đã có bước phát triển tích cực, đặc biệt là thành công của kỳ họp lần thứ 18 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Iraq tại Baghdad hồi tháng 5/2011.

Chủ tịch nước đề nghị hai nước tăng cường quan hệ cấp cao; hợp tác chặt chẽ tìm giải pháp nâng cao kim ngạch thương mại song phương.

Iraq từng là một trong những đối tác thương mại chính của Việt Nam tại Trung Đông, Chủ tịch nước mong muốn phía Iraq tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí, hoạt động hiệu quả tại Iraq.

Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ và Bộ Ngoại giao Iraq tiếp tục hỗ trợ Việt Nam sớm khôi phục hoạt động của Đại sứ quán Việt Nam tại Baghdad. Qua ngài Đại sứ, Chủ tịch nước mời Tổng thống đương nhiệm Iraq sang thăm Việt Nam. Chủ tịch nước tin tưởng đất nước Iraq sẽ sớm ổn định, có bước phát triển mới./.

Theo (TTXVN)


Read More Add your Comment 0 comments


 

© 2010 Chú Ba Dũng All Rights Reserved