Bài viết mới nhất
Sửa đổi Hiến pháp “gặp” vấn đề thời gian và nguồn lực
Sửa đổi Hiến pháp được coi là nhiệm vụ “trọng tâm của trọng tâm”. Các Bộ, ngành địa phương đang khẩn trương tiến hành việc tổng kết triển khai thi hành Hiến pháp để tập hợp báo cáo Chính phủ. Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp, Thành viên kiêm Thư ký Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 trao đổi những vấn đề liên quan.
Tổng kết cơ bản đúng tiến độ
* Đến nay đã rất sát thời hạn cuối cùng các báo cáo phải gửi về Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo (15/12/2011), thực tế tiến độ này được thực hiện ra sao?
- Mọi công việc đang được tiến hành hết sức khẩn trương, nghiêm túc. Trong đó có việc tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc việc tổng kết thi hành Hiến pháp. Đến nay, các Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành lập đã kiểm tra công tác tổng kết Hiến pháp tại một số tỉnh Tây nguyên và Bắc bộ. Mới đây nhất, Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo đã kiểm tra tại các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, trong tuần này sẽ tiếp tục kiểm tra tại các Bộ, ngành. Ngoài ra, còn nhiều đoàn công tác khác cũng đã tiến hành kiểm tra tại các địa phương khác.
Tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã xây dựng kế hoạch hoạt động, quyết định thành lập Tổ giúp việc. Đến nay đã có gần 30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gửi Báo cáo nhanh về tình hình tổng kết Hiến pháp năm 1992. Đối với các báo cáo chuyên đề, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Viện Khoa học và Xã hội Việt Nam đã hoàn thành đề cương và xin ý kiến Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo. Tổ giúp việc đã hoàn thành việc góp ý đối với các đề cương này.
Ở địa phương, tính đến cuối tháng 11/2011 có 57/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã báo cáo nhanh về tình hình triển khai tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992.
* Qua báo cáo Bộ, ngành, địa phương gửi về, bước đầu có thể đánh giá như thế nào về những kết quả của việc tổng kết thi hành Hiến pháp, thưa bà?
- Công tác tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 được xem là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng trong toàn bộ hệ thống chính trị và các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Ngay từ đầu, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã quan tâm chỉ đạo sát sao. Vì vậy, mặc dù với khoảng thời gian ngắn, nhưng việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 đã nhận được nhiều sự quan tâm, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng các cơ quan Trung ương và Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy ở các địa phương. Đề cương Báo cáo của Chính phủ về tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 cũng nhận được sự đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia và các nhà quản lý. Công tác thông tin, truyền thông về triển khai tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 ở Trung ương và địa phương cũng đã được chú trọng.
Qua thực tế kiểm tra việc tổng kết của một số thành viên Ban chỉ đạo cho thấy, do thời gian tổng kết ngắn, lại vào thời điểm cuối năm, trong khi nhân lực, vật lực còn nhiều vấn đề, đây có phải là những khó khăn chung mà nhiều địa phương gặp phải không, thưa bà?
- Đúng vậy, qua phản ánh của các Bộ, ngành, địa phương thì thời gian và nguồn lực là hai vấn đề lớn, trong khi nhiệm vụ tổng kết Hiến pháp là rất lớn và phải thận trọng, do đó việc triển khai công tác tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 và hoàn thành báo cáo có thể không đảm bảo đúng tiến độ như đề ra trong Kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Thực tế, một số cơ quan và địa phương đã đề nghị gia hạn thời gian hoàn thành. Một số Bộ quản lý nhiều lĩnh vực khác nhau, nội dung tổng kết rất phức tạp, đòi hỏi cần có sự đầu tư thời gian khá lớn cho việc điều tra, khảo sát và thảo luận kỹ.
Khó khăn nữa cũng phải thẳng thắn nhìn nhận là lãnh đạo một số địa phương chưa thực sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát công tác tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, việc phối hợp giữa Thường trực HĐND với UBND cấp tỉnh chưa rõ ràng. Một số địa phương khoán trắng toàn bộ trách nhiệm cho Sở Tư pháp. Bên cạnh đó, một số Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, một số UBND cấp tỉnh chưa chủ động bố trí kinh phí cho công tác này hoặc nguồn kinh phí dự phòng còn ít.
Chỉ đạo sát sao, quyết liệt đảm bảo tiến độ và chất lượng
* Trước những khó khăn nêu trên, thường trực Ban chỉ đạo đã có kiến nghị gì?
- Để đảm bảo thực hiện việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 có chất lượng và đúng tiến độ, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cũng đã có báo cáo đề xuất. Theo đó, đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo cơ quan mình đẩy nhanh tiến độ để kịp hoàn thành báo cáo chung và báo cáo chuyên đề có chất lượng, gửi về Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 theo đúng thời hạn quy định (chậm nhất ngày 15/12/2011).
Các Bộ trưởng là thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện tích cực các nhiệm vụ được giao, kịp thời chỉ đạo các cơ quan và địa phương được giao phụ trách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992.
Thường trực Ban chỉ đạo cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đôn đốc các cơ quan ở địa phương hoàn thành kế hoạch tổng kết, bảo đảm tiến độ, chất lượng; sớm xem xét, ban hành Quyết định về việc quy định một số chế độ chi đặc thù cho tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992…
* Xin cảm ơn bà!
Bình An (thực hiện)
Read More Add your Comment 0 comments